A Sào Tứ Yến

Từ xa xưa, nhân dân ấp A Sào (nay thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) có tục lệ rước kiệu từ bản đền (đền A Sào) theo đường “thần đạo” đến cây đa “Tứ Yến” thì dừng kiệu. Cùng lúc, trong đền nổi những hồi trống lớn, thỉnh đại hồng chung (chuông) tế Phụng Kiền Vương (Trần Liễu) và tế quốc mẫu (Thuận Thiên Hoàng Thái hậu). Tế xong đem yến, rượu ra gốc đa “Tứ Yến” ban lộc cho khắp lượt quan viên, thường dân và phu kiệu.

Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ.

 

Tương truyền, từ khi An Sinh Vương Trần Liễu và Quốc Mẫu Trần triều Thuận Thiên Hoàng Thái hậu mất, nhân dân A Sào đã dựng miếu thờ và tổ chức tế lễ hàng năm. Đặc biệt vào ngày giỗ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (20 tháng 7 âm lịch), kỳ mục, hương lão và quan viên trong ấp A Sào rước kiệu đức Thánh Trần Hưng Đạo từ bản đền đến khu vực đất cây đa “Tứ Yến”, trong đền nổi trống, chuông trọng tế An Sinh Vương Trần Liễu và Quốc Mẫu Trần triều Thuận Thiên Hoàng Thái hậu. Tế xong đem rượu và yến ra gốc đa ban lộc cho quan viên, phu kiệu và nhân dân nên dân gian gọi là cây đa “Tứ Yến”.

Sử cũ chép, Thuận Thiên công chúa (Lý Thiên Kim) là Thái trưởng công chúa vua Lý Huệ Tông (1194 – 1226), vị vua cuối cùng triều mạt Lý và Hoàng hậu Trần Thị Dung. Thuận Thiên công chúa xinh đẹp, nết na nhưng cuộc đời truân chuyên, sóng gió từ lúc còn hoài thai. Năm Ất Hợi, Kiến Gia thứ 5 (1215) Trần Thị Dung, con gái Trần Lý là thuộc tướng triều Lý, trong bối cảnh loạn Quách Bốc, Thái tử Lý Hạo Sảm chạy loạn về Hải Ấp (nay là xã Canh Tân, huyện Hưng Hà) nương nhờ nhà Trần Lý rồi đem lòng yêu say đắm Trần Thị Dung. Khi được thế lực họ Trần ở Hải Ấp phò giúp, Thái tử Sảm lên ngôi vua (Lý Huệ Tông) đã đưa Trần Thị Dung về kinh và lấy làm vợ. Trần Thị mang thai Thuận Thiên trong bối cảnh giằng co quyết liệt với Đàm Thái Hậu (mẹ vua Lý Huệ Tông) cùng tôn thất nhà Lý không chấp nhận sự hiện diện của người con gái họ Trần. Bởi trước đó, Đàm Thái Hậu coi Trần Tự Khánh (em trai Trần Thị Dung) đương chức Thái úy, tước Kiến quốc vương là… giặc. Đàm Thái Hậu cũng không “úp mở” cho rằng Trần Thị Dung là “nội ứng” của “đảng giặc” nên tìm cách hãm hại Trần Thị Dung. Năm Kiến Gia thứ 6 (1216), Đàm Thái Hậu nhiều lần bắt Lý Huệ Tông đuổi vợ, bà còn sai người bỏ thuốc độc vào thức ăn nhằm hãm hại con dâu.

Sau những vụ “giằng co quyết liệt” giành sự sống và tình yêu, Trần Thị Dung được em là Trần Tự Khánh cưu mang trong doanh trại quân đội nhà Trần ở bãi Cửu Liên (cạnh sông Hồng, thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên nay). Tại đây, bà sinh hạ người con gái đầu lòng trong nước mắt. Để ghi nhớ những ngày cơ cực và cũng là để ghi tạc công ơn trời đất đã cứu mẹ con bà, bà đặt tên con gái là Thuận Thiên. Công chúa Thuận Thiên “lá ngọc cành vàng” nhưng lại sinh ra trên bãi sông đầy nắng và gió như báo trước cuộc đời không mấy yên ả. Công chúa Thuận Thiên lên 2 tuổi thì Phụ hoàng Lý Huệ Tông mắc bệnh phát cuồng. Sóng gió triều Trần đã sớm dội lên gương mặt ngây thơ, trắng trong của công chúa. Lên 7 tuổi, công chúa Thuận Thiên được gả cho Phụng Kiền Vương Trần Liễu (con trai quan Phụ chính Trần Thừa). Rời bỏ kinh thành hoa lệ, Thuận Thiên xuống thuyền theo chồng về thực ấp A Sào, hương Thái Bình (nay thuộc các xã An Đồng, An Hiệp, An Thái, huyện Quỳnh Phụ) tròn bổn phận làm dâu. Phụng Kiền Vương Trần Liễu rất mực thương yêu Thuận Thiên. Bà sinh hạ cho Trần Liễu 3 người con trai là Vũ Thành Vương Trần Doãn, Hưng Ninh Vương Trần Tung và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Hưng Ninh Vương Trần Tung sau này là bậc thầy của vua Trần Nhân Tông, vua tôn làm “Tuệ Trung thượng sĩ”. Người con thứ 3 là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn do được cha Trần Liễu chăm sóc, mời thầy dạy võ đạo cao cường nên công nghiệp vẻ vang Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương. Ngỡ đâu sóng gió đã yên, năm Thiên ứng Chính Bình thứ 6 (1237), một lần nữa cuộc đời công chúa Thuận Thiên thêm phần phong ba bão táp. Em chồng của bà là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông) kết hôn cùng công chúa em là Lý Chiêu Hoàng đã 12 năm mà không sinh được con, Thái sư Trần Thủ Độ và thân mẫu Trần Thị Dung vô cùng lo lắng không có người kế vị nên bắt ép công chúa Thuận Thiên về làm vợ Trần Thái Tông để sinh cho hoàng tộc người nối dõi. Cuộc đời bà rẽ trái oan nghiệt, những tưởng theo Phụng Kiền Vương về vùng sông nước A Sào xa kinh thành để hưởng cuộc sống điền viên nào ngờ “bị bắt” trở lại kinh thành làm hoàng hậu. Vì thương yêu vợ của mình mà Phụng Kiền Vương Trần Liễu nổi loạn trên sông Cái (sông Hồng nay) suýt mất mạng. Trần Thái Tông uất hận bỏ lên núi Yên Tử đi tu. Vì dòng họ nhà Trần và triều đại nhà Trần, đứng giữa ngã ba tình và hiếu, Thuận Thiên công chúa đành lòng làm Hoàng hậu trong khi đang mang thai người con thứ 4 với Phụng Kiền Vương (Trần Quốc Khang). Triều đình phong cho Phụng Kiền Vương Trần Liễu tước An Sinh Vương nhằm an ủi cho những điều mất mát. Từ vị trí là chị dâu Hoàng đế, bỗng chốc thành Hoàng hậu, bà lại phải tìm cách đối xử để Chiêu Hoàng (em gái) đỡ phần tủi hận. Một thời gian sau bà sinh hạ Thái tử Trần Hoảng cho Trần Thái Tông. Thái tử được bà chăm sóc, dạy dỗ chu đáo với tất cả tình thương yêu, lòng bao dung nhân hậu. Mùa xuân năm Mậu Ngọ (1258), Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Hoảng, miếu hiệu là Trần Thánh Tông, chính sử chép “Bậc quân vương thần văn, thánh võ”.

Vì mẹ làm hoàng hậu mà Trần Quốc Khang được sinh ra tại kinh thành, biết rõ là con anh trai (An Sinh Vương Trần Liễu) nên Trần Thái Tông cũng hết mực thương yêu. Riêng An Sinh Vương Trần Liễu được vua ban ưu hậu cả một vùng thực ấp rộng lớn Kiếp Bạc, Yên Phụ (Hải Dương); Yên Dương (Đông Triều), Yên Bố (Hoành Bồ) thuộc tỉnh Quảng Ninh và cả vùng A Sào, hương Thái Bình, phủ Long Hưng. Hưng Ninh Vương toàn quyền quản lý lộ Hồng (Hải Dương), Hưng Đạo Vương thống lĩnh quân đội, cả hai là cháu nhưng giữ phận bề tôi đều tận trung với vương triều.

Những năm tháng sống cùng bà con ấp A Sào, Thuận Thiên công chúa chưa bao giờ tỏ ra mình là “lá ngọc cành vàng”, bà hòa mình sống cùng người dân lao khổ. Đất đai của vương triều ban cho, bà đều cho dân cấy cày, thêm thóc gạo phụng sự triều đình nuôi quân đánh giặc. Ân nghĩa sâu nặng của bà, dân nghèo ghi tạc. Khi biết bà “cải giá” về kinh làm hoàng hậu, người dân A Sào không nguôi nhớ thương bà. Khi bà mất, dân ấp A Sào và quanh vùng lập miếu thờ bà nhằm tri ân công đức của bà. Theo các nguồn khảo luận, vì Thuận Thiên công chúa đã “cải giá” nên nhân dân thờ bà riêng ở một ngôi đền không chung đền với An Sinh Vương nhưng cùng thửa đất mà dân gian gọi là “Tứ Yến” ở A Sào, các triều đại phong kiến đều có sắc phong “Quốc Mẫu Trần triều”.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thuận Thiên công chúa là người đức hạnh, bà giúp dân vùng hương Thái Bình đất đai canh tác, sống hòa mình với dân cần lao. Khi bà “bị bắt” làm hoàng hậu của vua Trần Thái Tông, bà cũng từng cùng nhà vua về căn cứ Lưu Đồn (xã Thụy Hồng, Thái Thụy) trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Vì bà đã là hoàng hậu nên khi thỉnh kiệu ở đền A Sào chỉ có kiệu của Phụng Kiền Vương (nhỏ hơn Đức Thánh Trần) chứ không có kiệu của bà, trong đền chỉ đặt bài vị thờ bà là “Quốc Mẫu Trần triều”.

Nhà giáo ưu tú Vũ Quốc Huệ, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Phụ

Mặc dù chế độ phong kiến vẫn duy trì ý thức hệ “trọng nam, khinh nữ” thế nhưng “ngầm định” ông bà, cha ông ta vẫn tôn vinh phụ nữ, điển hình là nhân dân hương Thái Bình, ấp A Sào vẫn lập đền thờ “Quốc Mẫu Trần triều” Hoàng Thái hậu Thuận Thiên công chúa mặc dù bà đã “cải giá” nghĩa là không “thủ tiết” cũng bởi bà là người đức độ, trong cái chông gai, sóng gió bà đã ứng xử vẹn tròn.

Dịch giả Vũ Văn Thông, thôn Vũ Xá, xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ

Tôi thường hay đọc và dịch các văn bia, văn tự Hán Nôm trong vùng để hiểu thêm ý nghĩa vùng đất A Sào, Long Hưng với sự nghiệp nhà Trần. Trong nhiều văn tự Hán Nôm còn sót lại, có nhiều văn bản ca ngợi công đức Thuận Thiên công chúa với vùng đất A Sào.

Quang Viện  – BÁO THÁI BÌNH