“Long giáng đất A Sào”

Năm 2002, một sự kiện tâm linh kỳ lạ đã diễn ra tại A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, người dân nơi đây vẫn thường gọi đó là hiện tượng “Long giáng đất A Sào”.

Mễ Thương thắng tích, nơi thờ linh vật từ năm 2002 – 2012.

Ngày 18/4/2002 (6/3 năm Nhâm Ngọ), tại lễ hội Phủ Giầy (Nam Định), ban tổ chức đã thả một con rồng hơi có chiều dài 25m, chu vi thân 2m2 (11 gang) lên bầu trời cầu cho một năm mới gặp nhiều tốt lành, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh. Bên cạnh đó, việc thả rồng còn mang theo ý nghĩa tìm về gốc gác Đức Thánh Trần thông qua nơi rồng hạ. Theo dự đoán của ban tổ chức lễ hội năm đó, rồng sẽ giáng xuống địa phận tỉnh Ninh Bình hoặc Thanh Hóa vì rồng thăng theo hướng gió Đông Nam. Điều kỳ lạ là rồng lại bay ngược chiều gió xuân từ Nam Định về Thái Bình, từ Phủ Giầy về A Sào, lại ngược chiều sông Hóa, tạt ngang qua bến Tượng, qua sinh từ Trần Hưng Đạo, hạ xuống Đống Yên, nơi Trần Quốc Tuấn hành quân qua và dừng lại để tháo yên voi.

Người dân thấy hiện tượng lạ đã kéo nhau ra xem, tại đây mọi người phát hiện thấy một con rồng làm bằng vải rất đẹp, lưng có màu vàng óng, hai bên sườn màu xanh nhạt, đầu và đuôi làm bằng xốp, cốt bằng tre, trên lưng rồng đeo hàng nghìn quả bóng bay bơm khí. Dân làng nhanh chóng báo tin cho các cụ bô lão, một lễ rước rồng được tổ chức để đưa rồng về đình Mễ Thương thắng tích. Hội họ Trần thị trấn Quỳnh Côi nghe tin long giáng xuống A Sào đã cúng tiến tủ kính khung nhôm để lưu lại linh vật.

Khách thập phương chiêm bái rồng thiêng.

Trước khi rồng giáng, có nhiều ý kiến xung quanh việc xác định nơi sinh của Trần Hưng Đạo, vì vậy sự kiện này đã góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân rằng đất A Sào mới thực là nơi Trần Hưng Đạo ra đời bởi cũng theo sử sách ghi lại, nơi này cũng chính là thái ấp của Trần Liễu, cha của ngài. Cũng chính vì vậy mà từ đó đến nay, cứ đến ngày 20/8 âm lịch, ngày mất của Trần Hưng Đạo, dòng họ Trần cùng nhân dân khắp mọi nơi lại cùng nhau trở về A Sào chiêm bái, ngưỡng vọng, tỏ lòng thành kính trước vị đại anh hùng dân tộc.

Theo người dân địa phương kể lại, ngày “Long giáng đất A Sào” là một ngày trời xuân rất đẹp, thời tiết ấm áp, bầu trời trong xanh. Mọi người đều tin rằng rồng hạ là một điềm phúc, mang lại sinh khí mùa xuân tràn đầy sức sống cho quê hương. Quả đúng như vậy, trong năm đó, A Sào mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân ấm no, hạnh phúc. Trong tâm thức của người dân địa phương cho đến tận ngày nay, sự hiện diện của rồng thiêng vẫn luôn là một biểu tượng cho sự may mắn, hưng thịnh và phát triển của quê hương A Sào. Sau sự kiện năm 2002, tiếng lành đồn xa, nhiều nhà văn hóa, nhà sử học đã đến đây để nghiên cứu và tìm hiểu, A Sào ngày càng nhận được sự chú ý, quan tâm của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương. Sau mười năm được lưu giữ tại đình Mễ Thương, năm 2012 linh vật rồng được đưa về đền A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) để tiếp tục phụng thờ. Hai năm sau, năm 2014, quần thể di tích đền A Sào, bến Tượng và đình Mễ Thương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2016, nhân dân A Sào vui mừng đón nhận quyết định bằng chứng nhận lễ hội đền A Sào được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cụ Trần Văn Biều, một bậc cao niên trong làng, người đã từng chứng kiến sự kiện “Long giáng đất A Sào” vẫn luôn tin rằng: Việc đưa rồng về thờ tại đền A Sào đã một lần nữa mang lại may mắn to lớn cho đền A Sào nói riêng và quần thể di tích đền A Sào nói chung.

Nơi lưu giữ linh vật rồng.

“Long giáng đất A Sào” đã trở thành một sự kiện có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tâm linh của người dân Thái Bình. Rồng thiêng mang theo ước vọng về cuộc sống ấm no, đủ đầy, sức mạnh vượt lên trên khó khăn sẽ luôn trở thành động lực đưa miền quê Đức Thánh Trần vươn cao, vươn xa, đạt được thêm nhiều thành công hơn trong bước đường xây dựng và phát triển.

Ông Trần Văn Biều, 82 tuổi, thôn A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ

Trước đấy, nhiều ý kiến khác nhau về nơi sinh của Đức Thánh Trần. Nhưng kể từ sau khi sự kiện “Long giáng đất A Sào”, mọi người đều tin đây là nơi Hưng Đạo Đại Vương đã ra đời. Hàng năm cứ đến ngày mất của ngài, các dòng họ Trần đều mang lễ đến dâng hương tại đền A Sào. Khách thập phương vào những ngày chính hội đến thăm đền cũng rất đông. Chúng tôi , những người dân nơi đây ai cũng phấn khởi và tự hào, nhất là năm nay, lễ hội đền A Sào được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên mọi người càng quan tâm, không khí ngày hội lại càng đông vui, náo nhiệt hơn.

Bà Phạm Thị Chốt, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ

Khi nghe tin “Long giáng”, người dân trong làng đổ ra xem rất đông, ai nấy đều vui mừng phấn khởi. Trong mười năm được thờ tại đình Mễ Thương, linh vật đã thu hút được sự quan tâm của không chỉ người dân địa phương mà còn đông đảo du khách đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều nhà sử học, nhà văn hóa cũng đến tham quan và tìm hiểu về sự kiện độc đáo này.

Ông Trần Minh Thanh, người trông coi cụm di tích đình, đền, bến Tượng A Sào

“Long giáng đất A Sào” là sự kiện hết sức đặc biệt, không chỉ gây chú ý đối với người dân địa phương mà cả với người dân nhiều nơi trên đất nước. Từ khi đất A Sào đón rồng thiêng trở về, khách thập phương ngày càng quan tâm hơn đến địa danh nơi đây, số lượng khách tham quan mùa lễ hội cũng tăng lên nhiều, ý thức tôn trọng lịch sử, hướng về cội nguồn được thể hiện rõ nét. Ban quản lý khu di tích tích cực thực hiện các biện pháp lưu giữ, bảo tồn linh vật nhằm lưu lại dấu ấn về điềm lạ đồng thời tạo điều kiện để nhân dân khắp nơi có cơ hội được chiêm bái rồng, coi đây như một sự thể hiện lòng biết ơn với Đức Thánh Trần, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc, ba lần lãnh đạo đánh thắng giặc Nguyên – Mông, giữ yên bờ cõi nước Nam.